Ngày 01 tháng 07 hằng năm được chọn là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam nhằm khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. BHYT là loại hình bảo hiểm trong chăm sóc sức khỏe do Nhà nước tổ chức, thực hiện không vì mục đích lợi nhuận. BHYT đã giúp nhiều người vượt qua khó khăn khi chẳng may ốm đau, tai nạn. Tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn...
Ngày 25 tháng 6 năm 2024, Sở Y tế ban hành công văn số 2725/SYT-NVY Về việc tăng cường truyền thông và tổ chức các hoạt động nhân dịp 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/07/2024.
1. Bảo hiểm y tế là gì?
Bảo hiểm y tế được tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...
Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được quỹ này chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Từ đó, giúp người bệnh giảm thiểu các chi phí chăm sóc sức khỏe hay các chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khoẻ khi gặp tai nạn, bệnh tật.
2. Ý nghĩa của Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam
- Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm y tế.
- Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế để được bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
- Ghi nhận những đóng góp của ngành bảo hiểm y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam để tuyên truyền về Luật Bảo hiểm y tế. Hoạt động này nhằm khuyến khích, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác bảo hiểm y tế và cán bộ, nhân viên ngành y tế.

3. Các thông điệp truyền thông chính
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở để tăng tiếp cận dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT.
- Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT để duy trì nguồn tài chính bền vững chăm sóc sức khỏe toàn dân.
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT vì quyền lợi, sức khỏe của người tham gia BHYT.
- Quyết tâm thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
- BHYT là lá chắn cho sức khỏe của bạn.
- Vì an sinh xã hội, vì sức khỏe của chúng ta, hãy tham gia BHYT.
- Thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT để bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
- Sức khỏe cộng đồng gắn liền với BHYT toàn dân.
- Tham gia BHYT để có nguồn tài chính bền vững khi ốm đau, bệnh tật.
- Tham gia BHYT là quyền lợi và trách nhiệm của mọi tổ chức cá nhân.
4. Mức hưởng bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh như thế nào?
Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả các chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; cho phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn với các tỷ lệ thanh toán nhất định.
Mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến
Mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến dành cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được quy định như sau:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí khám, chữa bệnh: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
- 80% chi phí khám, chữa bệnh: Đối tượng khác.
Mức hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến
Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh trái tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ nhất định tính trên mức hưởng đúng tuyến. Cụ thể như sau:
- Bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
- Bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;
- Bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh.
- Trường hợp đặc biệt: Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện, chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương như trường hợp đúng tuyến.
Các trường hợp không được bảo hiểm y tế thanh toán
- Chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên mà đã được ngân sách nhà nước chi trả.
- Chi phí điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- Chi phí khám sức khỏe.
- Chi phí xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- Chi phí sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.
- Chi phí sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
- Chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 06 tuổi.
- Chí phí sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
- Chi phí Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
- Chi phí khám, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
- Chi phí giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Chi phí tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Mỗi người dân hãy ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế và tham gia bảo hiểm y tế để được bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Chung tay góp sức thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân