Tin tức bệnh viện

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ BỆNH HO GÀ
[ Cập nhật vào ngày (04/04/2024) ]


TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VỀ BỆNH HO GÀ

Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.

Hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết gió lạnh, mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bên cạnh đó, việc gián đoạn trong cung ứng các vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trên toàn quốc; nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin.

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp chp trẻ cần chú ý những gì?

 

Ho gà là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, gây biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong ở một số trường hợp. Đáng lo ngại, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao, thời gian ủ bệnh dài, biểu hiện và triệu chứng như:

+ Ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái.

+ Thở rít vào sau mỗi cơn ho.

+ Nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt.

+ Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm  mồ hôi và thở gấp.

+ Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng rất cao từ 15.000 - 50.000/mm³, chủ yếu là tế bào Lympho.

 - Các triệu chứng của bệnh dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như:

+ Viêm phổi nặng, đây là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng;

+ Biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao.

+ Ngoài ra, trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin cụ thể như sau:

- Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

 

- Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc xin phòng bệnh.

- Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

-  Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, che miệng khi ho hoặc hắc hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải cho trẻ nghỉ học, cách ly và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

 

 

 




Tổ Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khỏe




 


Tìm kiếm

SẢN PHẨM MỚI

tin tức & sự kiện


Đơn vị trực thuộc