Nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh, giảm thiểu các sự cố y tế, sai sót trong điều trị và mang đến cho người bệnh một môi trường chăm sóc sức khỏe an toàn, chất lượng. Tổ chức Y tế thế giới đã thống nhất chọn Ngày An toàn người bệnh Thế giới là ngày 17/9 hàng năm.
Ngày 09 tháng 9 năm 2024, Sở Y tế đã ban hành công văn số 3892/SYT-NVY nhằm triển khai hưởng ứng ngày An toàn người bệnh Thế giới 17/9/2024. Theo hướng dẫn của WHO ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2024 trong tuần từ 4/9/2024 đến 22/9/2024.
Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán chính xác và kịp thời trong quá trình khám chữa bệnh và giúp giảm thiểu các sai sót y khoa có thể xảy ra do chẩn đoán. “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự An toàn của Người bệnh - Improving diagnosis for patient safety” được WHO chọn thành chủ để của Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2024. Chẩn đoán chính xác là nền tảng cho điều trị hiệu quả: Khi có chẩn đoán chính xác, bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tăng khả năng thành công của quá trình điều trị. Nâng cao sự tin tưởng của người bệnh: Khi người bệnh cảm thấy được chẩn đoán và điều trị một cách chuyên nghiệp, họ sẽ có sự tin tưởng hơn vào chất lượng dịch vụ y tế.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: hiện nay, ngay tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khoẻ của bản thân do các sự cố y khoa. Trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác,… Do vậy, an toàn người bệnh là vấn đề sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu. An toàn người bệnh trước hết là phòng ngừa tổn thương và hạn chế tai biến y khoa. Muốn thực hiện tốt phòng ngừa tổn thương và hạn chế tai biến y khoa trước hết phải loại bỏ tâm lý đổ lỗi, cần có sự cởi mở, công khai về sai sót y khoa một cách khách quan và chính xác để khắc phục. Việc cởi mở thông tin về các sai sót y khoa phải trở thành một phần trong văn hoá bệnh viện nhằm tăng cường và cải thiện chất lượng hoạt động bệnh viện, đó là văn hoá an toàn người bệnh.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, sự cố y khoa được xác định là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Việc phòng ngừa sự cố y khoa trên cơ sở nhận diện, báo cáo, phân tích tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh. Việc phòng ngừa sự cố y khoa là trách nhiệm của lãnh đạo và nhân viên y tế làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, được khuyến khích, động viên và bảo vệ.
Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ cam kết “Thân thiện, luôn đồng hành cùng người bệnh, không ngừng cải tiến chất lượng các kỹ thuật chuyên môn và các dịch vụ nhằm đảm bảo điều trị và chăm sóc tốt nhất”, bệnh viện luôn quan tâm, chú trọng đến công tác cải tiến để tăng cường chất lượng An toàn người bệnh.